Khi tôi trở thành một người mẹ, tôi đã nhận được rất nhiều lời khuyên về cách yêu thương con cái. Nhưng mãi cho đến vài năm trước mới có một người thực sự cho tôi biết rằng yêu con tức là muốn điều tốt nhất cho con về lâu về dài.
Khi bốn đứa con gái của tôi còn bé, khái niệm “về lâu về dài” với tôi không có nghĩa lý gì cả. Trở lại khi ấy, tất cả là vì sống còn, đáp ứng những nhu cầu hàng ngày và trang trải mọi chi phí.
Bây giờ khi các con tôi lớn, những khó khăn đó đã qua đi. Tôi không còn phải tập tành làm mẹ nữa, thay vào đó đã trở nên thành thạo mọi thứ. Đặc quyền của giai đoạn này đó là con tôi muốn dành thời gian ở bên tôi. Chúng tôi có những cuộc trò chuyện bộc lộ những phẩm chất tốt đẹp của con. Đêm đến khi tất cả đều ngủ ngon, tôi cũng sẽ ngủ ngon. Tôi có thể suy nghĩ một cách mạch lạc hơn và có chủ đích hơn về cách mà tôi nuôi lớn chúng.
Ngày nay, tôi suy nghĩ nhiều hơn về lâu về dài. Tôi nghĩ về kiểu người mà tôi hy vọng con cái của tôi sẽ trở thành và hỏi lại chính mình “Hôm nay tôi có thể làm gì để nuôi dưỡng điều đó?”. Việc để tâm đến tương lai của con đã thay đổi cách làm mẹ của tôi, bởi những gì khiến cho con tôi hạnh phúc ở tuổi lên 10 hay 15 là thứ gì đó khác so với những gì sẽ khiến chúng hạnh phúc ở tuổi 25, 30, 40 và khi nhiều tuổi hơn.
Một lúc trước tôi đã lướt qua một vài bài báo và những cuốn sách thú vị đào sâu vào những gì các nhà tâm lý học ngày nay đang quan tâm: số lượng gia tăng những người ở độ tuổi hai mấy, những người trầm cảm và không biết lý do tại sao. Những người trẻ này cho biết họ có một tuổi thơ kỳ diệu. Cha mẹ là những người bạn tốt nhất của họ. Họ chưa bao giờ trải qua bi kịch hay bất kỳ điều gì to tát hơn những sự thất vọng bình thường. Tuy nhiên vì lý do nào đó, họ không hạnh phúc.
Một lý do được đưa ra đó là những bậc cha mẹ ngày nay can thiệp quá nhanh chóng. Chúng ta không muốn con mình bị ngã, vì thế thay vì để chúng trải qua nghịch cảnh, chúng ta lại dọn đường cho con. Chúng ta loại bỏ hết những chướng ngại vật để khiến cho cuộc sống của con dễ dàng. Tuy nhiên nghịch cảnh lại là một phần của cuộc sống, và chỉ bằng cách đối mặt với nó, con của chúng ta mới có thể xây dựng những kỹ năng đương đầu trong cuộc sống mà chúng sẽ cần đến trên con đường đời của mình. Vì thế mặc dù có vẻ như chúng ta đang làm ơn cho con, chúng ta đang thực sự ngăn cản sự phát triển của con. Chúng ta đang đặt vấn đề giải quyết những nhu cầu tạm thời trên cả hạnh phúc lâu dài.
Có một bài báo nhắc đến những sinh viên chuẩn bị lên đại học được biết đến như những “chén trà” vì sự mỏng manh dễ vỡ trên gương mặt khi gặp những vấn đề nhỏ nhặt. Câu hỏi đặt ra là: “Liệu bằng việc bảo vệ con khỏi những bất hạnh khi còn nhỏ, chúng ta có đang tước đoạt hạnh phúc của con khi trưởng thành?”
Sau đây là tóm tắt câu trả lời của nhà tâm thần học Paul Bohn:
Nhiều cha mẹ sẽ làm bất kỳ điều gì để tránh cho con phải trải qua thậm chí một chút khó chịu, lo âu hay thất vọng nhỏ – “bất kỳ điều gì không thoải mái” theo như lời ông – và kết quả là khi trưởng thành, chúng trải qua những thất bại thông thường trong cuộc sống, chúng nghĩ rằng điều gì đó thật là khủng khiếp.
Tại sao tôi lại chia sẻ thông tin này? Bởi vì tôi nghĩ rằng nó có liên quan đến thời đại làm “cha mẹ trực thăng”. Mặc dù tôi rất mừng vì những bậc cha mẹ ngày nay đầu tư nhiều hơn cho cuộc sống của con cái hơn những thế hệ trước, sự can thiệp của chúng ta có thể vượt quá giới hạn. Điều mà chúng ta có thể bào chữa là “cha mẹ tốt” có thể làm tổn thương đến con cái chúng ta về sau. Trừ phi chúng ta để tâm đến điều đó, thật dễ để gây bất lợi cho chúng bằng cách khiến cho cuộc sống của chúng quá dễ dàng.
Như câu triết lý yêu thích của tôi về việc làm cha mẹ: “Chuẩn bị hành trang đi đường cho con bạn, không phải chuẩn bị đường cho con bạn đi.”
Với câu nói này, tôi đã thảo ra 10 lỗi thông thường mà các bậc cha mẹ ngày nay – có bao gồm cả tôi – thường mắc phải. Mục đích của tôi không phải để chỉ trích mà là để nâng cao nhận thức. Những gì ăn sâu vào trong văn hóa của chúng ta không phải lúc nào cũng đem lại những điều tốt nhất cho con chúng ta.
#10: Tôn thờ con
Nhiều người trong chúng ta sống trong thế giới lấy con là trung tâm. Chúng ta đang nuôi lớn các con trong những ngôi nhà lấy con làm trung tâm. Tất nhiên, các con thích điều này bởi vì cuộc sống của chúng ta xoay tròn quanh chúng. Và chúng ta thường cũng không phiền vì điều đó, bởi hạnh phúc của chúng là hạnh phúc của chúng ta. Chúng ta vui vẻ làm mọi điều cho con, mua cho con mọi thứ và tắm con trong biển tình yêu và sự chú ý.
Tuy nhiên tôi cho rằng việc ghi nhớ rằng con cái chúng ta sinh ra là để yêu thương chứ không phải tôn thờ là rất quan trọng. Vì thế khi chúng ta đối xử với chúng như là trung tâm của vũ trụ, chúng ta đã tạo ra một thần tượng “sai”, biến một thứ tốt trở thành tối thượng. Thay vì một gia đình lấy con làm trung tâm, chúng ta nên phấn đấu cho một gia đình lấy Chúa làm trung tâm. Con cái chúng ta sẽ vẫn được yêu thương, chỉ là theo một cách tốt hơn, một cách thúc đẩy tính không ích kỷ hơn là tính ích kỷ.
#9: Tin rằng con cái chúng ta là hoàn hảo
Một điều tôi thường nghe từ các chuyên gia làm việc với trẻ em (tư vấn viên, giáo viên,…) là cha mẹ ngày nay không muốn nghe bất kỳ điều gì tiêu cực về con cái của họ. Khi những mối lo lắng được dấy lên, ngay cả khi xuất phát từ sự yêu thương, phản xạ bánh chè thường là phản bác lại người truyền thông điệp.
Sự thực có thể gây tổn thương nhưng khi chúng ta lắng nghe với một trái tim và cái đầu thoáng, chúng ta sẽ đứng về phía lợi ích. Chúng ta có thể can thiệp từ sớm trước khi tình huống vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Sẽ dễ dàng hơn khi giải quyết vấn đề với một đứa trẻ gặp rắc rối hơn là sửa chữa một người lớn ngã quỵ.
Như một nhà tâm thần học của Children’s of Alabama gần đây nói với tôi khi tôi phỏng vấn cô về trầm cảm tuổi thanh thiếu niên, sự can thiệp từ sớm chính là chìa khóa bởi nó có thể thay đổi quỹ đạo cuộc đời của đứa trẻ. Cô nói rằng đó là lý do tại sao cô thích tâm thần học trẻ em và vị thành niên – bởi vì trẻ em rất linh hoạt và dễ hơn rất nhiều để can thiệp một cách có hiệu quả khi chúng còn nhỏ thay vì nhiều năm sau, khi vấn đề đã đi quá xa, nó trở nên hợp nhất với một phần trong con người chúng.
#8: Sống gián tiếp qua con cái
Chúng ta, những người làm cha làm mẹ tự hào về con cái rất nhiều. Khi chúng thành công, nó khiến chúng ta hạnh phúc hơn cả khi chúng ta thành công.
Nhưng nếu như chúng ta tham dự quá sâu và đầu tư quá mức vào cuộc sống của chúng, điều này sẽ khiến thật khó để nhìn thấy đâu là nơi chúng kết thúc và chúng ta bắt đầu. Khi con cái trở thành phần mở rộng của chúng ta, chúng ta có thể sẽ xem chúng như cơ hội thứ hai của mình. Đột nhiên mọi thứ không phải là về chúng mà về chúng ta. Đó là nơi hạnh phúc của chúng bắt đầu trở nên lẫn lộn với hạnh phúc của chúng ta.
#7: Muốn trở thành bạn thân cả đời của con
Khi tôi yêu cầu một mục sư kể tên lỗi lớn nhất mà ông nhìn thấy ở việc làm cha mẹ, ông nghĩ một lát rồi nói: “Cha mẹ đang không làm những bậc phụ huynh thực thụ. Không đứng ra hành động để làm những nhiều khó khăn.”
Giống như tất cả mọi người, tôi muốn con mình yêu mình. Tôi muốn chúng ngợi ca và đánh giá cao tôi. Nhưng nếu tôi làm đúng bổn phận của mình, chúng thỉnh thoảng sẽ tức giận và không thích tôi. Chúng sẽ đảo mắt, rên rỉ và lầm bầm, và ước chúng lẽ ra đã được sinh ra ở một gia đình khác.
Cố gắng trở thành người bạn thân cả đời của con có thể chỉ dẫn đến sự dễ dãi và những lựa chọn được đưa ra do tuyệt vọng bởi chúng ta lo sợ đánh mất sự tán thành của chúng. Đó rút cục không phải là tình yêu, đó là sự cần.
#6: Dấn thân vào việc nuôi con cái cạnh tranh
Mỗi bậc phụ huynh đều có trong mình cơn cạnh tranh. Tất cả những gì chúng ta cần để khuấy động con quái vật này trong mình đó là một phụ huynh khác giúp con của họ mà trả giá bằng con của chúng ta.
Tôi nghe những câu chuyện kiểu này rất nhiều ở trường trung học cơ sở và trung học phổ thông, những câu chuyện về tình bạn tan vỡ và sự phản bội do một gia đình đâm sau lưng một gia đình khác. Theo quan điểm của tôi, căn nguyên là sự sợ hãi. Chúng ta sợ con cái sẽ bị bỏ rơi phía sau. Chúng ta sợ rằng nếu chúng ta không nhảy vào đống lộn xộn và làm mọi thứ để giúp chúng trội hơn, chúng sẽ bị mắc kẹt trong sự tầm thường trong suốt phần còn lại của cuộc đời.
Tôi tin trẻ con cần phải làm việc chăm chỉ và hiểu được rằng ước mơ không đến trên một chiếc đĩa bạc; chúng phải đổ mồ hôi và chiến đấu để đạt được ước mơ của mình. Nhưng khi chúng ta thấm nhuần thái độ “chiến thắng bằng bất cứ giá nào”, cho phép chúng ném bất kỳ ai xuống dưới gầm xe để bước về phía trước, chúng ta đánh mất khía cạnh tính cách.
Tính cách có thể không có vẻ quan trọng vào thời niên thiếu, nhưng khi trưởng thành, nó là tất cả.
#5: Bỏ lỡ sự kỳ diệu của tuổi thơ
Một ngày kia, tôi tìm thấy một miếng sticker hình Strawberry Shortcake trên bồn rửa nhà bếp của tôi. Nó gợi cho tôi nhớ tôi thật có phúc như thế nào khi chia sẻ ngôi nhà với những con người nhỏ bé.
Một ngày nào đó sẽ không có những miếng sticker trên bồn rửa của tôi nữa. Sẽ không có búp bê Barby trong bồn tắm, búp bê đồ chơi trên giường hay đĩa Mary Poppins trong đầu đĩa DVD. Cửa sổ sẽ vắng bóng những dấu vân tay còn dính, và nhà của tôi sẽ tĩnh lặng bởi các con gái của tôi sẽ ra ngoài chơi với bạn bè thay vì “làm tổ” ở nhà với tôi.
Nuôi nấng trẻ con có thể là một công việc nhàm chán và khó khăn. Đôi khi chúng ta cảm thấy thật kiệt sức cả về thể xác lẫn tinh thần, chúng ta ước rằng chúng lớn hơn để cuộc sống của chúng ta dễ dàng hơn. Chúng ta cũng tò mò chúng lớn lên sẽ như thế nào. Đam mê của chúng sẽ là gì? Những tài năng thiên bẩm của chúng sẽ lộ rõ? Là cha mẹ, chúng ta hy vọng như vậy, bởi biết được những điểm mạnh nào cần nuôi dưỡng cho phép chúng ta hướng con đi theo đúng hướng.
Tuy nhiên khi chúng ta hoạch định cho tương lai, tự hỏi liệu sở trường nghệ thuật của con có khiến con trở thành Picasso, hay liệu chất giọng du dương có tạo nên một Taylor Swift hay không, chúng ta có thể sẽ quên việc nhận ra những điều huy hoàng trước mắt: bé mặc bộ pajama trùm cả bàn chân, những câu chuyện kể trước giờ đi ngủ, những cái cù bụng và tiếng kêu ré đầy phấn chấn. Chúng ta có thể sẽ quên để cho các con được nhỏ bé và tận hưởng tuổi thơ duy có một trong đời mà chúng được ban tặng.
Trẻ bắt đầu chịu áp lực từ quá sớm. Nếu chúng ta thực sự muốn giúp đỡ con chúng ta, chúng ta cần phải bảo vệ chúng khỏi những áp lực này. Chúng ta cần để cho chúng được vui chơi và lớn lên một cách tự nhiên để 1) chúng có thể khám phá những sở thích của mình mà không sợ thất bại và 2) chúng không bị mệt mỏi.
Thời thơ ấu là quãng thời gian vui chơi và khám phá. Khi chúng ta vội vã kéo các con đi qua thời gian ấy, chúng ta đã đánh cắp cái tuổi ngây thơ mà chúng sẽ không bao giờ trải qua lần nữa.
#4: Nuôi lớn đứa trẻ mà chúng ta muốn, không phải đứa trẻ mà chúng ta có
Là cha mẹ, chúng ta ấp ủ những giấc mơ cho những đứa trẻ của chúng ta. Chúng bắt đầu khi chúng ta mang thai, trước cả khi biết được giới tính của con. Chúng ta âm thầm hy vọng rằng chúng sẽ giống như chúng ta, chỉ là khôn ngoan và tài năng hơn. Chúng ta muốn là người dẫn lỗi cho chúng, bằng việc áp dụng những trải nghiệm cuộc sống của chúng ta.
Nhưng sự trớ trêu của việc nuôi dạy con cái là trẻ đảo lộn hết những khuôn mẫu của chúng ta. Chúng lớn lên theo cách mà chúng ta không dự đoán trước được. Việc của chúng ta là nhận ra con người vốn có của chúng và huấn luyện chúng theo hướng đi đó. Gán ước mơ của chúng ta cho con sẽ không có tác dụng gì cả. Chỉ khi chúng ta nhìn nhận con vì chính bản thân chúng thì chúng ta mới có thể tác động đến cuộc đời của chúng một cách có uy lực.
#3: Quên mất rằng hành động thể hiện nhiều hơn lời nói
Đôi khi, khi các con của tôi hỏi một câu hỏi, chúng sẽ nói rằng “Làm ơn chỉ nói trong một câu thôi ạ”. Chúng hiểu tôi quá rõ, vì tôi luôn luôn cố gắng đưa những bài học cuộc sống vào những tình huống có thể dạy được. Tôi muốn lấp đầy chúng bằng sự khôn ngoan nhưng điều tôi quên mất là tấm gương của tôi làm lu mờ đi lời nói của tôi như thế nào.
Cách mà tôi đối phó với sự chối từ và nghịch cảnh…cách tôi đối xử với bạn bè và những người lạ…liệu tôi có làm tình làm tội hay đánh giá cao bố của chúng…chúng chú ý đến tất cả những điều đó. Và cách tôi phản ứng cho chúng có quyền hành xử y như vậy.
Nếu tôi muốn con cái trở nên tuyệt vời, tôi cũng cần phải hướng đến những điều tuyệt vời. Tôi cần phải là người mà tôi hy vọng chúng sẽ trở thành.
#2: Đánh giá những cha mẹ khác – và con cái của họ
Cho dù bạn có không đồng tình với cách nuôi dạy con của ai đó thế nào đi chăng nữa, bạn cũng không có quyền đánh giá. Không ai trên thế giới này là “đúng hoàn toàn” hay “sai hoàn toàn” cả; chúng ta đều có lúc đúng lúc sai, một thế giới những người có tội đấu tranh với những kẻ tội lỗi khác.
Cá nhân tôi có xu hướng cảm thông cho những cha mẹ khác hơn khi tôi trải qua khó khăn. Khi con tôi đang thử thách tôi, tôi thông cảm cho những cha mẹ có cùng cảnh ngộ với mình. Khi cuộc đời tôi trở nên ngộp thở, tôi tha thứ cho những người khác, những người đã mắc lỗi và buông xuôi mọi thứ.
Chúng ta không bao giờ biết được ai đó đang trải qua những gì hay khi nào thì chúng ta sẽ cần phải nhân nhượng cho chính chúng ta. Và mặc dù chúng ta không thể kiểm soát được những suy nghĩ của mình, chúng ta có thể hạn chế được chúng bằng cách tìm ra cách để hiểu được người đó thay vì vội vã đi đến kết luận.
#1: Đánh giá thấp Tính nết
Nếu như có một điều tôi hy vọng các con tôi được uốn nắn cho đúng, đó là cốt lõi của chúng. Tính nết, đạo đức, kim chỉ nam từ bên trong…những điều này đặt nền móng cho một tương lai hạnh phúc và khỏe mạnh. Chúng quan trọng hơn bất kỳ phiếu thành tích học tập hay chiếc cúp nào. Không ai trong chúng ta có thể gán tính nết cho các con, và ở tuổi lên 10 hoặc 15, tính nết sẽ không có ý nghĩ nhiều. Trẻ em quan tâm đến sự hài lòng ngắn hạn, nhưng chúng ta, những người cha người mẹ, biết rõ hơn. Chúng ta biết rằng những điều quan trọng ở tuổi 25, 30 và 40 không phải là họ ném bóng được bao xa, hay liệu họ có trở thành đội trưởng đội cổ vũ hay không, mà là cách chúng đối xử với người khác và chúng nghĩ gì về bản thân. Nếu chúng ta muốn chúng xây dựng tính nết, sự tự tin, điểm mạnh và sự kiên cường, chúng ta cần phải để cho chúng đối mặt với nghịch cảnh và trải qua cảm giác tự hào khi chúng đã trở nên mạnh mẽ hơn sau nghịch cảnh.
Thật khó khăn khi chứng kiến con ngã nhưng đôi khi chúng ta cần phải làm vậy. Đôi khi chúng ta cần phải tự hỏi bản thân mình liệu can thiệp vào có là điều tốt nhất cho con hay không. Có cả triệu cách để yêu một đứa trẻ, nhưng để khiến cho chúng hạnh phúc, chúng ta hãy ghi nhớ rằng đôi khi phải chịu đau trong thời gian ngắn để thu được thành quả về lâu về dài.